Các đảng viên Dân chủ tại quốc hội Mỹ đang vận động áp dụng lại các mức thuế thương mại cho thiết bị điện mặt trời Trung Quốc nhập khẩu. Năm ngoái, chúng đã bị Tổng thống Biden tạm đình chỉ hai năm để giúp cho ngành công nghiệp nội địa đủ thời gian hình thành.
Doanh nghiệp Mỹ cho rằng nếu quốc hội dựng lại hàng rào thuế sẽ tạo ra những hậu quả lớn, không chỉ đối với các công ty năng lượng mặt trời mà còn với những chủ nhà hy vọng lắp thêm các tấm pin, những người lái xe muốn sạc xe điện bằng năng lượng sạch và các công ty hạ tầng điện đang cố gắng giảm lượng khí thải carbon.
Ngoài ra, nếu cắt giao thương với các nhà máy và mỏ khoán sản của Trung Quốc, Mỹ sẽ mất quyền tiếp cận các vật liệu quan trọng cho các tấm pin mặt trời, tuabin gió và pin xe điện cho quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước.
Jim Kapsis, Cựu cố vấn tại Bộ Tài chính, Nhà sáng lập công ty tư vấn khởi nghiệp công nghệ khí hậu Ad Hoc Group, cho rằng các mục tiêu khí hậu và công nghệ xanh đang trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của căng thẳng chính trị. “Chúng ta chưa xác định được những gì sẵn sàng mua từ Trung Quốc và những gì cần tự túc. Vì vẫn chưa có câu trả lời nên từ đây đến lúc hàng rào thuế quan thiết lập lại sẽ rất trắc trở”, ông nói.
George Hershman, Giám đốc điều hành SOLV Energy, một nhà thầu các dự án năng lượng mặt trời lớn cho biết sẽ phải sa thải hàng nghìn người. “Những dự án tiêu tốn từ 300 triệu đến 400 triệu USD không thể dừng và khởi động lại dễ dàng. Tôi không biết tại sao mọi người lại ủng hộ nghị quyết” ông nói.
Dù ủng hộ ông Biden trong các chính sách khác, các đảng viên Dân chủ và Tổng thống Mỹ đang chia rẽ trong việc Bắc Kinh kiểm soát thị trường thiết bị và nguyên liệu chính trong ngành điện mặt trời.
Ngoài ra, khủng hoảng Ukraine cũng đóng vai trò lớn, buộc các chính trị gia phải đánh giá lại việc quá phụ thuộc vào một nguồn cung để đảm bảo an ninh năng lượng. Biện pháp khắc phục là khoản đầu tư lớn vào sản xuất năng lượng xanh trong nước được đưa vào “Đạo luật giảm lạm phát năm 2022” mà ông Biden ký ban hành năm ngoái. Nhưng việc phát triển ngành công nghiệp cần mất nhiều năm và triển khai công nghệ xanh ở Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ kinh doanh với Trung Quốc.
Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng công nghệ năng lượng mặt trời, gió và pin. Số liệu của BloombergNEF cho biết các công ty nước này sản xuất hơn 80% một số linh kiện quan trọng. Họ hiện cung cấp hơn 95% các tấm wafer (tấm silicon tinh thể) và ingot (thỏi đúc kim loại) cần thiết để lắp ráp các tấm pin mặt trời.
Ethan Zindler, Trưởng BloombergNEF khu vực châu Mỹ nói việc đột ngột cắt các công ty năng lượng mặt trời Mỹ khỏi nguồn cung Trung Quốc sẽ gây gián đoạn lớn. “Việc thay đổi chính sách bất ngờ sau khoảng một năm sẽ tạo ra hỗn loạn trên thị trường”, ông dự báo.
Hè năm ngoái, Nhà Trắng cho tạm dừng thuế quan lên hàng Trung Quốc để trấn an ngành năng lượng mặt trời trong nước, vốn bị tê liệt sau cuộc điều tra của Bộ Thương mại về cáo buộc trốn thuế của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Nhưng đến tháng 12/2022, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra một phát hiện sơ bộ rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đang trốn thuế. Vì vậy, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng đã đưa ra một nghị quyết với mong muốn đảo ngược lệnh tạm dừng của ông Biden. Họ cho rằng Trung Quốc cần phải bị trừng phạt vì vi phạm luật thương mại của Mỹ.
Thượng nghị sĩ Joe Manchin III, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên, cho biết đã chán ngấy việc Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi năng lượng. “Tôi không hiểu tại sao chính quyền và quốc hội lại xem xét mở rộng sự phụ thuộc đó lâu hơn nữa”, ông tuyên bố.
Nhiều nhà vận động hành lang và nhà phân tích kỳ vọng nghị quyết sẽ thu được 60 phiếu bầu cần thiết để được Thượng viện thông qua – việc này cần ít nhất 11 đảng viên Dân chủ ủng hộ. Đầu tuần này, ông Biden tuyên bố sẽ phủ quyết nếu nó đến bàn của ông tại Nhà Trắng, với lý do nó sẽ “tạo ra sự bất ổn sâu sắc cho việc làm và đầu tư vào chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời”.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời Mỹ (SEIA), nếu việc tạm dừng đánh thuế thời hạn hai năm của ông Biden bị gỡ bỏ, ngành này sẽ cần sa thải 30.000 việc làm được trả lương cao và 4,2 tỷ USD đầu tư trong nước. Cùng với đó, 4 gigawatt dự án năng lượng mặt trời sẽ bị hủy bỏ. “Điều này tạo ra sự không chắc chắn và sẽ cản trở thị trường”, John Smirnow, Phó chủ tịch cấp cao về chuỗi cung ứng và tính bền vững và Tổng cố vấn SEIA, bình luận.
Dù có sự nhất trí chung rằng nghị quyết sẽ gây bất ổn, một số nhà phân tích chỉ ra rằng ngành năng lượng xanh của Mỹ vẫn đang có thời cơ tốt, hưởng lợi từ “Đạo luật giảm lạm phát”, James Lucier, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Capital Alpha Partners nói và cho rằng nên nhìn vào tính tích cực của đạo luật thay vì quá lo lắng đến tranh cãi ở quốc hội về nghị quyết này.
Ông cũng thừa nhận ngay cả một trục trặc nhỏ trong việc triển khai năng lượng xanh có thể gây ra những tác động lớn đối với các mục tiêu khí hậu của Mỹ. “Cảm giác cấp bách đến từ các nhà phát triển và lắp đặt năng lượng mặt trời, những người hiện không có sự thay thế thiết thực nào ngoài các nhà cung cấp Trung Quốc”, ông nói.
Phiên An (theo Washington Post)